KNTC | QUYỂN 1 – Hồi 3: Lạc Lối ở Đền Nội
Hồi 3: Lạc Lối ở Đền Nội
Đền thờ Quốc Tổ Tiên Rồng
Cháu con hưởng phước một lòng kính tôn
Trúc lúc này đang nhập thần Thiên Sứ, hai tay bế theo Tiểu Nghê bay lượn trên bầu trời, thoăn thoắt như chim. Cô thành thục điều khiến đôi giày có cánh, thi thoảng lại tăng lực đập cánh để bay cao hơn. Bầu trời chiều ngả vàng, ánh sáng rực rỡ xuyên qua một đám mây trắng to tạo thành hào quang giác ngộ. Trúc dừng lại ngắm nhìn.
Tiểu Nghê hai mắt sáng rực long lanh nhìn ánh hoàng hôn vàng cam đỏ muôn màu. Trúc cất giọng cảm thán:
– Đẹp quá. Ở ngay nơi tiên cảnh thế này mà tiếc rằng chị không biết ngâm thơ như cụ Nguyễn Trãi.
Tiểu Nghê cười:
– Nếu chị có thể bay lên Tiên Giới thì sẽ còn gặp nhiều cảnh lộng lẫy hơn nữa.
Trúc nói:
– Bây giờ đến Đền Nội tìm trứng!
Trúc nghiêng người về phía trước định bay. Trúc suy nghĩ:
– Nhưng trên này đâu có đường, đi hướng nào bây giờ?
Tiểu Nghê nói:
– Sao thế, chẳng phải vị thần chị đang nhập biết mọi con đường ở cả tam giới sao?
Trúc nói:
– Lẽ ra là vậy, nhưng khi nhập vào chị thì không phát huy hết được. Dù sao cũng là thần ngoại mà đâu biết được đường phố nước mình.
Tiểu Nghê nói:
– Không sao, em thì biết rất rõ. Chị cứ đi theo hướng tay em chỉ nè!
Tiểu Nghê chỉ một ngón tay về phía trước, Trúc bay theo. Nó chỉ sang trái, Trúc bay sang bên trái. Nó chỉ sang bên phải, Trúc lượn sang bên phải. Rồi nó chỉ lên chỉ xuống, Trúc lại bay lên bay xuống.
Thấy có gì đó sai sai, Trúc vỗ cái “bốp” vào đầu Tiểu Nghê quát:
– Giỡn mặt hả! Chỉ đàng hoàng coi!
Tiểu Nghê ôm đầu:
– Ây da! – Nó cười khì khì. – Đùa chút thôi mà. Giờ đi nghiêm túc nè!
…
Đền Nội Bình Đà ở huyện Thanh Oai, Hà Nội là một ngôi đền truyền thống quan trọng bậc nhất của người Việt, nằm trong quần thể di tích làng cổ Bình Đà. Đền Nội Bình Đà thờ Lạc Long Quân, vị Quốc Tổ trong truyền thuyết của người Việt. Theo Tiểu Nghê nơi đây cũng là nơi cất giấu 3 quả trứng mà năm xưa Lạc Long Quân đã phong ấn Ngư tinh, Hồ Tinh và Mộc tinh.
Hôm nay là ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch, lễ hội náo nhiệt và đông vui nhất ở Bình Đà đang diễn ra, lễ tưởng nhớ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Từ sáng sớm không khí nhộn nhịp đã nhen nhóm khắp các ngả đường, bắt đầu với buổi lễ cầu phúc, buổi chiều là lễ rước mã, từng đoàn diễu hành cờ lộng, lân rồng, múa nghê cùng các điệu nhảy truyền thống.
Khắp các ngõ phố đều được treo cờ thần ngũ sắc. Lá cờ truyền thống này của dân tộc được thiết kế dựa vào thuyết Âm dương – Ngũ hành. Chúng có hình vuông và mang trên mình năm loại màu sắc khác nhau: Trắng, xanh lá, đỏ, vàng, xanh lam hoặc đen. Năm loại màu sắc này cũng là năm màu tượng trưng cho các mệnh: Kim, Mộc, Hỏa, Thổ, Thủy. Màu trắng là Kim, màu xanh lá tượng trưng cho mộc, màu đỏ là hỏa, màu vàng là Thổ, và xanh lam hoặc đen là Thủy.
Trúc và Tiểu Nghê đáp xuống một con hẻm vắng của ngôi làng, quan sát đoàn rước lễ. Có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn ngon dọc theo con đường. Trúc thích chí nói:
– Này, hay là chị em mình dạo quanh một vòng ăn chơi đã, rồi đi tìm phong ấn sau!
Tiểu Nghê nói:
– Đồ này không ăn được, con người phải cúng thì thần linh mới có thể chạm vào lương thực.
Trúc bật cười:
– À thế thì lại càng hay, đỡ phải chia đồ ăn cho em. Em cứ đứng đó mà xem chị ăn nha!
Nói xong Trúc đọc to:
– Khắc xuất, khắc xuất!
Ngay lập tức Trúc biến trở lại thành người bình thường, không còn nhìn thấy Tiểu Nghê nữa. Trúc hí hửng bước hòa theo đoàn diễu hành dạo chơi, từ nơi này đến nơi khác, mua hết quà vặt này đến quà vặt khác.
Tiểu Nghê thì vẫn thấy Trúc, nó đi theo cô, nhìn cô ăn uống cười hả hê mà không được ăn gì. Nó rất giận, cứ lẽo đẽo chạy theo Trúc và gào thét:
– Đồ độc ác! Đồ táng tận lương tâm!
Nhưng tất nhiên là Trúc chẳng nghe thấy gì.
Quá giờ Ngọ, sau khi đã đánh chén no nê, Trúc mới chạy vào một con hẻm vắng, ở đó có một bụi cây. Trúc chui vào bụi cây, nhân lúc không có ai qua lại Trúc khắc nhập với thần Sức Mạnh. Lúc này Tiểu Nghê đang đứng bên cạnh, nó gào lên trách móc:
– Đồ tàn nhẫn. Em đói quá, chị tự đi mà lấy phong ấn, em không đi nữa.
Rồi nó ngồi phịch xuống, khoanh hai tay lại, nhắm mắt chả buồn nói chuyện. Trúc cười:
– Có đồ ăn cho em trong balo đây!
Tiểu Nghê mở mắt ra ngay, vội chạy lại ngoạm lấy cái balo trên tay Trúc. Nó dốc ngược balo và đồ ăn rơi ra, có bánh ngọt và trái cây đủ các loại. Tiểu Nghê liếm mép một cái, cái lưỡi to dài của nó quét một vòng lên tới mặt. Rồi nó bắt đầu ngoạm lấy đồ ăn một cách thô lỗ nhất. Nhưng sao lại chỉ nghe thấy tiếng “Cạch, cạch” của hai hàm răng va vào nhau. Đồ ăn xuyên qua hàm nó.
Trúc thấy vậy thì lăn ra cười, đập tay xuống đất thùm thụp. Tiểu Nghê tức giận, đỏ mặt tía tai, quát:
– Không có ai cúng, sao mà ăn!
Tiểu Nghê làm mặt tiu nghỉu. Trúc nói:
– Thôi không chọc em nữa, đợi chút!
Nói xong trúc khắc xuất khỏi thần Sức Mạnh. Cô lấy ra nhang và bật lửa. Trúc xếp đồ ăn trên đất ngay ngắn, rồi thắp nhang lên. Hai tay cầm nhang, Trúc đưa tay lên qua đầu rồi bắt đầu khấn:
– Hôm nay ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch năm Giáp Thìn. Con tên Nguyễn Thanh Trúc ngụ tại Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Trân trọng kính mời Tiểu Nghê Thần, người bạn đồng hành của con trong hành trình tìm kiếm phong ấn… về nơi đây hưởng lộc thực đầy đủ. Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ. Nhờ ơn tế độ, thêm sự phước duyên, nguyện xin gia đình yên ổn, thuận lợi bán buôn, phù hộ được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu đất nước hòa bình, nhơn sanh phước lạc. Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng.
Khấn xong Trúc vái ba lạy rồi cắm que nhang vào giữa các thứ đồ ăn. Trúc tự hỏi:
– Vậy được chưa nhỉ? Không biết Tiểu Nghê có ăn được không?
Trúc lấy một thẻ bài ra nhập trở lại vào thần Sức Mạnh. Một cảnh tượng lộn xộn đập ngay vào mắt Trúc. Tiểu Nghê và các vong hồn lạ hoắc đang tranh cướp thức ăn của nhau. Đồ ăn rơi trên mặt đất rất nhiều, còn bị quăng qua lại trên đầu, chuyền từ vong này qua vong khác. Tiểu Nghê thấy Trúc đứng đó bèn hét toáng lên:
– Chị chị, lại phụ một tay coi, tụi nó lấy đồ ăn của em nè.
Trúc chạy lại giành lại đồ ăn của một vong hồn lạ. Trúc hỏi:
– Mấy người này là ai đây?
Tiểu Nghê nói:
– Bài văn chị vừa cúng là văn cúng cô hồn các đảng mà. Mấy vong này toàn là cô hồn cả đó, họ nghe thấy chị cúng nên tới.
Trúc hỏi:
– Ủa rồi đồ ăn ở đâu ra mà nhiều vậy?
Tiểu Nghê đáp:
– Khi người ta cúng càng thành tâm thì đồ ăn sẽ hoá ra càng nhiều. – Tiểu Nghê cười. – Giờ em mới biết chị cũng thương em dữ hen. Thôi thôi, giúp em gom đồ ăn lại rồi chạy khỏi đây mau đi chị.
Trúc và Tiểu Nghê giành lại một số đồ ăn từ các vong linh rồi cả hai ôm lấy bỏ chạy rời khỏi đó. Các vong hồn thấy vậy đuổi theo. Trúc vừa chạy vừa nói:
– Thì ra là vậy, cúng càng thành tâm thì người nhận càng nhận được nhiều. Thế mà chị cứ tưởng phải đốt thật nhiều vàng mã mỗi khi cúng bái cơ.
Tiểu Nghê vừa chạy vừa ăn vừa nói:
– Từ giờ đừng có đốt nhiều vàng mã nữa khói cay mắt tụi em lắm, quan trọng nhất là lòng thành tâm.
Trúc lại vỗ tay vào đầu Tiểu Nghê cái “bốp” rồi nói:
– Hay thật! Quả là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Hôm nay chị đã học được rất nhiều từ em đó.
Tiểu Nghê ôm đầu kêu:
– Ây da, gõ đầu em hoài vậy! Chị khắc nhập với thần khác bay khỏi đây đi, cứ chạy mãi thế này à!
Nghe vậy, Trúc lấy ra thẻ bài Thiên Sứ rồi khắc nhập. Trúc bế Tiểu Nghê bay lên bằng đôi giày có cánh, thoát khỏi đám vong linh lộn xộn bên dưới.
…
Giờ Mùi, cả hai bay đáp xuống Nghi Môn Ngoại của Đền Nội. Trúc nhìn vào bên trong còn nhiều người xúm tụm làm lễ. Bên ngoài là đông đúc người qua lại. Cổng đền có bốn cây cột. Trên bốn cây cột có đặt tượng hai con Nghê đá.
Trúc nói:
– Giờ cứ vậy đi vào tìm trứng thôi hả. Chả lẽ mọi chuyện đơn giản thế nhỉ?
Tiểu Nghê nói:
– Hmm… Hình như em quên điều gì thì phải. Thôi kệ, cứ vào trong đi chị.
Cả hai định bước vào trong thì Thần Hoàng hiện ra đầu đội mũ Đâu Mâu, thân mang Khải Giáp sáng lấp lánh. Giáp phục màu đen viền vàng ánh kim. Tay Thần cầm thương, chuôi thương bịt vàng, đầu thương chạm trổ tinh xảo. Sau lưng Thần vắt một ngọn cờ hồng. Gương mặt vô cùng dữ tợn, thân hình to lớn.
Thần nhìn Trúc quát:
– Đứng yên ở đó!
Trúc giật mình nhìn Tiểu Nghê:
– Ai… Ai vậy?
Tiểu Nghê cũng sợ, nó cụp đuôi lại nói:
– Là Thần Hoàng canh gác đền đó. Em quên mất, đền thờ nào cũng có ít nhất một vị thần canh gác không cho mình vào đâu. Đây chính là ngài Linh Lang Đại Vương đó!
Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông. Có nguồn tài liệu ghi rằng khi quân Tống sang đánh, Linh Lang xin vua cấp 5000 quân và voi trận ra dẹp được. Sau khi qua đời Linh Lang hóa thành Rắn Thần và lặn xuống nước trở về với Thuỷ Cung. Vì vậy mà tương truyền rằng ông là con của Thuỷ Tộc được cử lên để giúp dân trừ giặc bạo.
Xét công trạng của ông nhà Vua ban phong mỹ tự, cho phép hai trăm sáu mươi chín làng trại trong cả nước xây đền miếu thờ cùng sắc phong Linh Lang Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần. Tuy đền thờ chính là đền Voi Phục, một trong Tứ trấn của Thăng Long, nay thuộc phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Nhưng Ngài cũng được thờ ở nhiều nơi khác, giải thích vì sao Ngài xuất hiện tại Đền Nội, Bình Đà.
Thần Hoàng Linh Lang nhìn trang phục của Trúc từ trên xuống dưới, rồi quay sang nhìn Tiểu Nghê ra giọng nhắc nhở:
– Tiểu Nghê, ngươi vốn là linh thú của người Việt sao lại đi theo thần linh nước nào thế này?
Tiểu Nghê không nói gì, trốn sau chân Trúc. Thần Hoàng nhìn Trúc nói:
– Ngươi là ai vì sao tới đây?
Trúc bước tới một bước nói:
– Con đến tìm phong ấn của các yêu ma Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh. Con có một kế hoạch thế này…
Chưa nghe hết lời, Thần Hoàng mặt biến sắc:
– Tại sao ngươi biết về các phong ấn? Hãy quay lưng và rời khỏi đây ngay, không được phạm đến nơi tôn nghiêm này!
Trúc nói:
– Xin Thần hãy nghe con nói, kế hoạch của con là…
Thần Hoàng dùng thương sáng loáng lấp lánh chĩa thẳng vào Trúc nói:
– Đừng phí lời! Ngươi không thuộc về nơi này hãy mau rời khỏi đây.
Tiểu Nghê kéo kéo áo choàng của Trúc, nói:
– Đi thôi chị, em có cách này.
Cả hai quay người bước đi. Tiểu Nghê hiến kế cho Trúc:
– Chị khắc nhập với thần khác mạnh hơn đi, rồi cản Thần Hoàng lại, trong lúc đó em sẽ lẻn vào trong tìm mấy quả trứng. Chị ráng cầm cự tới lúc em xong việc thì cả hai bỏ chạy khỏi đây.
Trúc nói:
– Ý hay, nhưng em phải nhanh nhanh đấy nhé, chị chưa đánh nhau bao giờ, không biết nhập thần thì có khá hơn không.
Tiểu Nghê nói:
– Sẽ ổn thôi!
Trúc quay lại, tiến về phía Thần Hoàng. Thần Hoàng thấy Trúc trở lại thì rất ngạc nhiên. Tay Trúc luồn vào túi lấy ra thẻ bài thần Sức Mạnh. Trúc thở dài, lẩm bẩm:
– Đành phải vậy thôi!
Nói xong Trúc ngước nhìn Thần Hoàng, tay giơ lá bài lên, miệng đọc to:
– Khắc nhập, Khắc Nhập!
Thần Hoàng thấy Trúc hoá thân thành dũng sỹ mạnh mẽ, đai tay bằng vàng cứng chắc, áo choàng bay phấp phới. Nghe câu thần chú là Thần Hoàng nhận ra ngay, Ngài nói:
– Ngươi dám sử dụng cấm thuật?
Chẳng đáp lại lời của Thần Hoàng, Trúc nhún chân một cái với sức mạnh phi thường, cô bật nhảy vào giữa sân đình. Gạch trong sân nứt ra khi cô đáp xuống. Thần Hoàng quay đầu lại nhìn vào trong sân, vừa tức giận vừa rất kinh ngạc. Ngài không còn nể nang gì nữa cầm thương lao tới tấn công Trúc ngay lập tức.
Thấy Thần Hoàng đã vào sân không còn chú ý tới mình nữa, Tiểu Nghê định nhân cơ hội lẻn chạy vào đền. Nhưng hai bức tượng nghê đá trên cổng lóe ra hai luồng ánh sáng rồi hiện ra hai con Đại Nghê to lớn, uy nghiêm và hung dữ, chúng đứng chắn ngay trước cổng vào.
Nhất Đại Nghê nói:
– Nhóc con, lấp lấp ló ló đi đâu đó!
Nhị Đại Nghê nói:
– Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây.
Tiểu Nghê giật mình lùi bước, ra bộ phòng thủ, hai chân trước hạ thấp xuống, dáng vẻ cung kính phục tùng.
– Trời ạ! Gặp các cụ tổ rồi.
Tiểu Nghê cụp tai, cụp đuôi miệng lí nhí nói:
– Dạ dạ… Con vào thăm Quốc Tổ. Ối hai thần đánh nhau kìa!!!
Tiểu Nghê làm vẻ mặt nghiêm trọng chỉ tay vào sân đình. Hai Đại Nghê quay đầu nhìn vào trong sân. Ngay lập tức Tiểu Nghê lẻn sang bên hông trèo qua tường hào. Hai Đại Nghê thấy vậy vội vàng đuổi theo. Tiểu Nghê leo lên mái đền để tiến vào trong. Hai con đại nghê dí theo sát nút. Cả ba rượt đuổi nhau trên mái đền. Gạch ngói rơi xuống sân vỡ toang.
Trong lúc ấy Trúc cũng đang chạy tiến vào sâu hơn. Lúc gần tới ao sen thì Thần Hoàng chạy vượt lên trước, Ngài xoay một vòng từ phải qua trái vung thương đánh vào người Trúc. Trúc đưa hai đai tay vàng lên đỡ chỉ nghe một tiếng “Choang” rồi cả người Trúc bị đánh bật lùi lại. Nhưng rất nhanh, Thần Hoàng lại xoay người một cái từ trái sang phải đánh thương vào Trúc. Trúc còn chưa kịp hoàn hồn vội đưa đai tay lên đỡ, lại nghe một tiếng “Choang” lần này cả người trúc trượt ra sau, bật ra sát phía cổng. Gạch sân đình bị kéo lê gãy ra và bụi bay tung toé.
Trúc bàng hoàng thốt lên:
– Đây là sức mạnh của một Thần Hoàng sao!
Vừa dứt lời thì Thần Hoàng lại lao tới nhảy bổ từ trên xuống đập cả cây thương nhắm vào Trúc. Trúc không dám đứng cản vội nhảy sang bên tránh được. Cây thương đập xuống sân đình khiến sân đình rung lên bần bật.
Người dân tham gia rước lễ ở đó thấy gạch ngói rơi vỡ, mặt đất rung chuyển thì vội vàng tháo chạy. Mọi người hò hét sợ hãi:
– Có động đất! Động đất! Tất cả rời khỏi đây mau!
Một cảnh tượng hỗn loạn diễn ra mọi người vứt bỏ đồ đạc tháo chạy khỏi đền, họ chạy tỏa ra hai con đường trước cổng đền, ai về nhà nấy.
Không chần chừ, Thần Hoàng dứt khoát lao tới Trúc một lần nữa. Trúc vội vàng giơ bàn tay ra cản lại, miệng hét:
– Khoan khoan đã!
Thần Hoàng dừng lại nhìn Trúc không hiểu chuyện gì. Trúc lấy lại bình tĩnh. Hít thở. Hai tay Trúc tê lại bởi những cú đập như trời giáng lúc nãy. Trúc vừa vẫy vẫy hai tay giãn gân giãn cốt vừa nói:
– Con chưa quen với cơ thể này.
Trúc hít thở:
– Phù… Giờ thì, thử lại nè!
Nói xong Trúc nhún chân lấy đà bật tới Thần Hoàng tung một cú đấm vào ngực Ngài. Thần Hoàng nghiêng người đỡ được. Trúc đáp xuống đất lộn vòng trở lại tư thế thủ rồi lại lao tới tung một cước bên trái. Thấy Trúc lộ sơ hở, Thần Hoàng đưa thương lên đỡ đòn, tay còn lại Ngài chưởng thật mạnh vào người Trúc làm Trúc bị hất văng ra xa và ngã dúi xuống sân. Bụi khói bay mù mịt. Trúc lồm cồm bò dậy ho lụ khụ.
Thần Hoàng nói:
– Di chuyển của ngươi quá nhiều sơ hở. Đòn đó là ta nương tay, ngươi mau đem theo linh thú của ngươi rời khỏi đây sẽ giữ được toàn mạng. Bằng không đòn tiếp theo ta sẽ cho ngươi thịt nát xương tan.
Trúc nghĩ thầm:
– Sức mạnh thôi chưa đủ. Mình cần phải có kỹ năng chiến đấu và sự khéo léo.
Trúc luồn tay vào trong túi lấy ra một thẻ bài in hình một Tổng Lãnh Thiên Thần. Trong quan niệm tôn giáo phương Tây đây là nhân vật lãnh đạo đội quân Thiên Thần chống lại sự nổi dậy của các Ác Quỷ. Cô bé đứng dậy đọc lớn:
– Khắc nhập, khắc nhập!
Một vầng hào quang tỏa ra chói loà, chỉ thấy Trúc mặc áo giáp bạc kín thân, tà váy xinh đẹp xòe ra, phía sau lưng mọc lên đôi cánh trắng to. Áo choàng xanh da trời tung bay. Một tay mang khiên hình bầu dục, tay còn lại thì cầm kiếm. Chân đeo giày đỏ.
Thần Hoàng hết sức ngạc nhiên, Ngài bắt đầu khó hiểu về phép thuật của Trúc. Một loại phép thuật đã thất truyền rất lâu rồi chưa ai được nhìn thấy. Ngài liền trở về tư thế chuẩn bị chiến đấu, tay phải cầm thương xoay một vòng bên hông phải rồi mũi thương đâm tới Trúc.
Trúc vội khom người xuống, một chân trụ vào tư thế quỳ, cô dùng khiên che chắn phần thân, tay cầm kiếm phòng thủ. Mũi thương chạm vào khiên nghe một tiếng “Cheeng”. Âm thanh vang kéo dài inh tai nhức óc, khiến Trúc ù tai không còn nghe thấy gì xung quanh nữa.
Đang bị choáng và mất phương hướng thì đột nhiên mũi thương sáng loáng lại từ đâu lao tới trên không trung đâm thẳng vào Trúc. Trúc theo phản xạ của đôi cánh vội vàng đập cánh bay né sang bên. Từ nơi đường thương đâm xuống, mũi thương ghim vào nền gạch vụn vỡ, nứt toác, nhiều mảnh vỡ vụn văng ra khắp nơi.
Bằng sự khéo léo Thần Hoàng lại đổi hướng tấn công Trúc liên hồi, với sự nâng đỡ của đôi cánh và tấm khiên che chắn, Trúc nhanh chóng né được tất cả các đòn, rồi lựa lúc Thần Hoàng sơ hở Trúc vung kiếm chém một đường thật mạnh từ trên xuống. Thần Hoàng bị bất ngờ vội giơ ngang thương lên đỡ. Kiếm và thương va vào nhau một tiếng “Choang”. Một sức mạnh khủng khiếp khiến Thần Hoàng bị lùi lại, Ngài chới với mất thăng bằng đưa cây thương cắm xuống nền gạch phía sau lưng để không bị ngã xuống.
Thần Hoàng nhìn Trúc kinh ngạc. Trúc từ trên cao đáp xuống đất vào tư thế thủ nhìn Thần Hoàng. Sau khi đẩy được Thần Hoàng lùi lại một chiêu, Trúc cảm thấy tự tin hơn hẳn. Nhưng không để Trúc vui mừng lâu, Thần Hoàng lại lao tới.
Trúc lẩm bẩm:
– Không biết Tiểu Nghê sao rồi! Cứ cầm chân cái đã!
Rồi Trúc tung cánh bay lao tới Thần Hoàng.
Thật là:
Mây trắng cuồn cuộn trên trời
Oai phong hai thần dưới đất
Một Thần cầm giáo sáng ngời
Một Thần đập cánh khua gươm so tài
Tiếng hét vang lay động bốn phương
Gươm giáo chạm rung chuyển tám hướng
Hai vị thần, lao vào nhau dữ dội
Kiếm chém, giáo đâm, tung hoành ngang dọc
Một quyền bên trái, một cước bên phải
Một giáo bên hữu, một gươm bên tả
Thân thủ phi phàm lấy nhu chế cương
Pháp lực vô biên biến hoá khôn lường
Kỳ phùng địch thủ ngang sức ngang tài
Trận chiến cam go, không ai nhường ai
Đôi chân vững vàng chẳng hề nao núng
Kẻ thắng người bại làm sao tỏ tường.
…
Trong lúc đó Tiểu Nghê bị đuổi chạy vượt qua Ao Sen. Hai Đại Nghê nhảy qua Ao Sen đuổi theo. Tiểu Nghê chạy tiếp tới Nghi Môn Nội, nó nhanh nhẹn leo lên cột rồi trèo lên những thanh gỗ to tiếp đó lại phóng lên mái Ngũ Môn, nhảy một bước qua mái Phương Đình. Hai Đại Nghê to hơn nên leo trèo có chút khó khăn. Nhất Đại Nghê gầm lên:
– Nhóc con không được làm bừa!
Nhị Đại Nghê cũng nhanh chóng leo lên cột, rồi nhảy thẳng lên mái đền. Tiểu Nghê ba chân bốn cẳng chạy khắp nơi, lạng lách trên mái Phương Đình. Bỗng Tiểu Nghê sơ ý đạp chân vào tấm ngói bị hở, làm tấm ngói văng vào mặt Đại Nghê đang đuổi phía sau, nghe một tiếng “Bốp!”. Tiểu Nghê nhận ra khu vực này phần ngói bị hư hỏng rời ra, nó khoải chí dùng hai chân sau đạp đạp liên tục như cái động cơ xoay tròn, khiến ngói văng tới tấp vào mặt của hai Đại Nghê. Hai Đại Nghê bị bất ngờ nên không kịp tránh, phải hứng đòn một lúc mới bình tĩnh lại. Nhất Đại Nghê há hàm ngoạm vỡ viên ngói đang bay tới, rồi dùng hai chi trước hất tung các tấm ngói khác văng ra xa, rồi nó chồm tới gầm lên. Tiểu Nghê giật mình biết rằng không thể chơi trò này nữa, nó lại bỏ chạy.
Tiểu Nghê vừa chạy vừa lè lưỡi thở hổn hển:
– Bữa nay tới số rồi!
Nó chạy trên mái Phương Đình được một đoạn nữa thì có một chỗ lõm, nó trật chân sụt xuống, chới với. Nó rơi xuống nằm bẹp dí trên nền gạch đỏ tươi.
– Ai da… đau nha! – Nó kêu lên.
Tiểu Nghê nhăn nhó đứng dậy lảo đảo, đi loạng choạng qua lại, trước mắt nó mọi vật quay cuồng xoay vòng vòng, nó cũng lắc lư chao đảo. Nó lắc đầu qua lại, rồi nhìn kỹ hơn trước mắt nó là một kiệu bát cống sơn son thếp vàng, một chiếc ghế đặc biệt đặt trên cùng của kiệu bát cống, có vách hậu tựa lưng và hai bên tay vịn, được trang trí đầu rồng. Tiểu Nghê nhanh nhảu nhìn nhìn ngó ngó xung quanh quan sát, cái mũi đánh hơi.
Chợt hai con Đại Nghê nhảy ra từ hai bên hông của Phương Đình, cả hai đồng loạt gầm lên lao tới.
– Nhóc con, bảo vật đó, cấm sờ!
Tiểu Nghê giật mình, nó ba chân bốn cẳng hớt hải chạy vào cửa Đại Đình, mắt nhắm mắt mở va vào kiệu bát cống làm kiệu nghiêng ngả chao đảo. Hai con Đại Nghê thấy thế vội vàng chạy lại dùng hai chi trước đỡ lấy kiệu khỏi ngã khỏi bệ đỡ.
Tiểu Nghê luồn lách chạy khỏi kiệu bát cống nó phi thẳng một đường hướng tới Đại Đình. Hai con Đại Nghê nhìn theo bóng dáng nó rồi nhìn nhau hốt hoảng:
– Không được để nó vào Đại Đình.
Cả hai con Nghê vội vàng đuổi theo. Tiểu Nghê luồn lách qua khe cửa vẫn chưa khép kín, nó vẫy vẫy đuôi lắc mông qua lại rồi chui tọt vào Đại Đình. Nó đứng ở bậc cửa rồi nhìn một lượt Đại Đình với bốn hàng chân cột bộ. Điêu khắc trên kiến trúc thể hiện các đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng và tứ quý: Cúc, Trúc, Thông, Mai sơn son thếp vàng rực rỡ.
Tiểu Nghê nhìn lên trần là án thư chạm trổ sơn thếp có nhiều lớp trang trí nghệ thuật rồng phượng. Nó hỉnh hỉnh cái mũi, hai chân trước quỳ mọp, chổng mông lên vừa ngửi vừa đi lần mò. Nó cắm mặt xuống đất đi loanh quanh bàn hương án. Mũi nó đụng vào chân bàn, làm lung lay bàn hương án, hai con hạc bằng đồng rung lay lắc lư rồi rơi từ trên bàn hương án xuống. Lúc đó hai con Đại Nghê vừa xông vào Đại Đình nó nhìn thấy đôi hạc sắp chạm đất thì ba chân bốn cẳng hớt hải chạy lại mỗi con nâng một con hạc. Cả hai thở phì phò gào lên:
– Nhóc con, đứng lại đó!
Tiểu Nghê dùng cái mũi thính, vừa bò vừa đánh hơi. Nó bò đến bát bửu, đụng đầu vào bệ làm binh khí trên bát bửu rơi leng keng. Hai con Nghê lại chạy theo nhặt lên từng loại mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác cắm vào giá đúng thứ tự.
Tiểu Nghê lại bò về Hậu Cung. Nó chạm vào một bàn hương án, ngẩng đầu lên trước mắt nó là bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với nhiều lớp hình ảnh được chạm khắc, truyền ngôn với các vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; quan võ cân đai bố tử hùng dũng, quắc thước, cầm long đao; thị nữ áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với cờ quạt, tàn, tán, ô, lọng; có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả. Dòng nước mênh mang hiện lên những con thuyền rồng cong mũi đang rẽ sóng lao nhanh. Từng thuyền rồng chở các cặp đôi hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo. Nổi bật chiếm phần tư diện tích bức phù điêu là chân dung tượng Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm lưỡng long chầu nguyệt, khoác áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu.
Tiểu Nghê nhìn ngắm bức phù điêu, mũi ngửi ngửi rồi chợt mắt nó sáng lên, hai cái tai và đuôi dựng đứng.
– Là nó! – Tiểu Nghê reo lên.
Nó nhảy xổm lên bàn hương án, dùng hai chi trước dốc ngược bát cắm hương đổ hết tàn nhang ra. Nó đọc thần chú:
– Bát hương này tuy nhỏ nhưng chứa được cả Thiên Địa. Đứng trước nó dù là Thiện, Ác, Tà cũng không thể ẩn mình. – Tiểu Nghê cầm bát hương xoay một vòng rồi đọc to. – Phong Ấn mau hiển linh!
Tiểu Nghê úp bát hương vào giữa bức phù điêu. Một luồng ánh sáng lóe lên, bát hương bắt đầu hút thứ gì đó từ trong tranh ra. Tiểu Nghê dùng hết pháp lực của mình kéo mạnh bát hương ra, từ trong tranh một vật có hình tròn như quả trứng, sáng lòa từ từ bị kéo ra.
Quả trứng to như quả bóng đá, lại có vảy vàng óng ánh xếp lớp như vảy rồng trong suốt. Bên trong quả trứng có một vật hoá thạch tựa như hình dáng của Hồ Tinh.
Khi quả trứng vừa được kéo ra thì đột ngột hai Đại Nghê đuổi tới từ hai phía hùng hổ xông vào Tiểu Nghê.
– Không được đụng đến phong ấn, trả quả trứng lại cho ta! – Đại Nghê hét lên.
Tiểu Nghê tung cái bát hương lên trời rồi nói:
– Trả các ngươi đó!
Hai con Nghê vội chạy tới từ hai phía đỡ bát hương, cả hai đụng đầu vào nhau nghe “cốp”, rồi hoa mắt, chao đảo. Tiểu Nghê thì đã leo lên cột treo người lủng lẳng trên một tấm thư án. Nó nhìn hai con Nghê há miệng cười thật to trêu tức.
Tiểu Nghê tinh nghịch muốn đùa một chút, nó làm phép thu nhỏ quả trứng lại, rồi nuốt vào trọng miệng. Loài Nghê có phép như loài Rồng vậy, có thể ngậm Châu trong miệng. Sau đó nó nhảy qua cột chèo, leo qua một cột khác rồi tụt xuống bàn hương án ở Đại Đình. Nó hất đổ bình hoa, lư hương. Hai con Nghê lại vội chạy tới đỡ lấy các bảo vật.
Tiểu Nghê lại chạy sang bàn hương án của mẹ Âu Cơ nó lại hất đổ hai bình hoa khác. Hai con đại Nghê chạy theo nó từ nơi này sang nơi khác, đỡ lấy hết bình hoa này tới lư hương kia, miệng thì gào thét liên hồi vì tức giận. Tiểu Nghê làm mọi thứ rối tung hết lên để hai Đại Nghê không đuổi theo mình nữa. Nó vừa đi thong dong trên bàn vừa ngoảnh đầu nhìn xuống lè lưỡi ra trêu chọc.
Chợt Tiểu Nghê dừng lại trước bức phù điêu của mẹ Âu Cơ nó dùng cái mũi thính ngửi qua ngửi lại.
– Quả nhiên là ở đây. – Tiểu Nghê nói.
Tiểu Nghê lại cầm bát hương lên và đọc thần chú:
– Bát hương này chứa cả Thiên Địa. Đứng trước nó Thiện, Ác, Tà cũng phải hiện nguyên hình. Phong Ấn mau hiển linh!
Đọc xong nó úp bát hương vào giữa bức phù điêu. Một luồng ánh sáng lóe lên, bát hương hút ra một quả trứng. Lần này, bên trong quả trứng có một vật hoá thạch tựa như hình dáng của Mộc Tinh. Tiểu Nghê lại làm phép cho quả trứng nhỏ lại rồi bỏ vào miệng.
Hai Đại Nghê cũng vừa xếp xong các đồ vật về chỗ cũ. Chúng xù lông tức giận, nhe răng lộ ra hàm răng với bốn chiếc răng nanh, lông đuôi dựng đứng lên quất qua quất lại. Chúng nhào đến Tiểu Nghê.
Tiểu Nghê lộn một vòng lên không trung đáp bốn chân xuống nền gạch, nhanh nhẹn bỏ chạy và không quên quay đầu lại lè lưỡi lêu lêu.
Đại Nghê đuổi theo, một con đột ngột tách ra chạy vòng sang hướng phải, chặn đầu Tiểu Nghê. Tiểu Nghê cuộn tròn người lại lăn qua dưới gầm bụng của Đại Nghê, rồi lật đật bò dậy phi nước đại chạy thật nhanh ra phía cửa. Nó vừa chạy vừa nghĩ thầm:
– Quả trứng phong ấn Ngư tinh nằm ở đâu? Đã đánh hơi khắp Đại Đình và Hậu Cung cũng chẳng có.
Tiểu Nghê thốt lên:
– Ao Sen, còn chỗ đó là mình chưa tìm!
Tiểu Nghê chạy một mạch ra cửa chính, rồi chạy ra khỏi Phương Đình đến cổng chính Ngũ Môn. Hai Đại Nghê đuổi theo sát nút. Tiểu Nghê hất đổ một văn bia lớn. Hai Đại Nghê vội chạy đến đỡ, văn bia rất nặng nên bọn chúng phải dùng hết pháp lực để giữ lấy.
Nhân cơ hội Tiểu Nghê vươn mình nhảy lên không trung, lao mình xuống Ao Sen một cách dứt khoát, không do dự.
…
Trong lúc ấy ở ngoài sân, Thanh Trúc và Thần Hoàng vẫn giao đấu không ngừng. Trúc vừa đánh vừa thầm nghĩ:
– Tiểu Nghê tìm thấy phong ấn chưa, sao không thấy động tĩnh?
Thần Hoàng trừng mắt lao vào cô, giọng rền vang:
– Đi!
Vừa nói xong là Thần Hoàng vung một đường thương hiểm tạt ngang bên hông. Trúc vội đưa khiên ra đỡ, mũi thương chạm vào khiên tạo nên những tia lửa bắn ra. Trúc dùng một chân trước một chân sau đứng tấn chống đỡ. Sức nặng từ mũi thương của Thần Hoàng áp đảo khiến Trúc phải khuỵu một chân xuống làm sụt lún nền gạch.
– Thần Hoàng xin hãy nghe con nói! – Trúc giải thích.
Trúc lộn ngang qua né tránh, đường thương tạt ngang sượt qua đầu Trúc, mũi thương cắt đứt một sợi tóc. Trúc quỳ gối trở lại tư thế thủ, nói:
– Con muốn tiêu diệt tận gốc yêu ma để hoá giải tàn phép của chúng. Đó là lý do con cần lấy các phong ấn.
Thần Hoàng chẳng đáp lời xoay thân một vòng, đâm mũi thương liên tục về phía Trúc. Mũi thương thoăn thoắt như mũi khâu đâm ngang đâm dọc, đâm xiên đâm xéo. Trúc phải rất vất vả để chống đỡ. Trúc vỗ cánh bay lên lộn qua đầu Thần Hoàng, định tấn công bất ngờ từ phía sau. Nhưng Thần Hoàng thân thủ phi phàm đã ngay lập tức chuyển hướng tấn công ra phía sau khiến Trúc phải tránh né.
Trúc đáp xuống đất chạy lùi lại mấy bước giữ khoảng cách. Trúc nói:
– Con thực sự không muốn đánh. Xin Thần Hoàng dừng tay nghe con giải thích đã.
Trúc biết việc đánh nhau với người lớn tuổi hơn mình vốn đã là điều vô lễ trong đời sống thật. Đằng này cô bé lại đang đánh nhau với một Thần Linh, người lớn hơn cô cả trăm năm tuổi và là biểu tượng anh hùng của dân tộc thì quá vô lễ. Nên cô bé không muốn đối đầu mà chỉ vừa thủ vừa giải thích, cố gắng không để bị trúng đòn.
Trái lại Thần Hoàng không thèm nghe, quát lên:
– Đừng nhiều lời. Ngươi đã phạm ba tội. Thứ nhất ngươi dám sử dụng cấm thuật của Thiên Đình đó là tội gian dối. Thứ hai, ngươi bước vào nơi tôn nghiêm này mà không được sự cho phép đó là tội báng bổ. Thứ ba, ngươi và linh thú của ngươi dám đánh cắp phong ấn đó là tội phản bội. Đợi ta trị tội ngươi giam lại rồi sẽ trị tội con Nghê đó!
Vừa nói Thần Hoàng vừa tấn công Trúc tới tấp. Trúc cố thủ nhưng cho dù có muốn phản công cũng rất khó vì Thần Hoàng vốn là tướng quân, am hiểu kỹ thuật chiến đấu, mọi di chuyển đều không để lộ ra sơ hở. Dù đã khắc nhập với Tổng Lãnh Thiên Thần nhưng sức mạnh không phát huy hết nên Trúc chưa thể đứng vững trước mỗi đòn tấn công của Thần Hoàng. Trúc có thể tung cánh bay đi, nhưng mục đích là đang muốn cầm chân Thần Hoàng để Tiểu Nghê có thời gian đi tìm phong ấn, nên Trúc phải đánh dưới mặt đất và hạn chế bay quá xa.
Trúc vừa chống đỡ vừa nói:
– Từ Ngư Tinh, Hồ Tinh đến Mộc Tinh và cả Thuỷ Tinh. Tà phép của chúng vẫn còn trong nhân gian làm khổ mọi người, vì sao chỉ phong ấn mà không khai tử bọn chúng. Con muốn biết!
Thần Hoàng vừa đánh vừa đáp:
– Ngông cuồng! Đó là chuyện của Tổ Tiên, họ làm vậy ắt hẳn là có nguyên do. Phận con cháu không nên hỏi nhiều. Ta phụng mệnh ở đây canh gác và một lòng bảo vệ phong ấn. Ngươi đừng vô lễ mau đưa tay chịu trói đi!
Thần Hoàng dường như có sức chiến đấu vô tận, Ngài hoàn toàn không đổ một giọt mồ hôi. Ngài xoay thương linh hoạt. Mũi Thương như mũi tên sáng loáng phóng về phía Trúc. Ngài đâm thẳng đụng trúng khiên của Trúc, rồi Ngài nhanh nhẹn rút thương về rồi lại đâm vai trái, vai phải, hông trái hông phải, thân thủ phối hợp nhịp nhàng, ép Trúc phải lùi về sau đưa khiên che chắn liên tục. Sau đó Ngài bật nhảy lên cao, cầm thương tư thế chẻ tre, lực đạo mạnh mẽ áp đảo chém xuống, Trúc đập cánh bay lùi ra sau. Cây thương đập xuống nền sân khiến sân đền rung chuyển, gạch đá nổ tung bắn lên không trung. Một mảnh đá nhỏ có cạnh sắc bay sượt qua đôi má hồng của Trúc, để lại một vết xước.
Bây giờ đã là cuối giờ Mùi.
…
Về phần Tiểu Nghê, sau khi nhảy xuống nước nó thấy không gian trong Ao Sen rộng lớn một cách kì lạ, không phải là một cái ao. Nó thầm nghĩ:
– Đây chắc chắn là phép của thần linh tạo nên, chỉ thần linh mới nhìn thấy được không gian này.
Hai con Nghê sau khi xếp lại văn bia cũng lập tức nhảy xuống Ao Sen.
Tiểu Nghê thấy chúng xuống thì vội vàng bơi xuống sâu hơn. Ở dưới nước nên mũi Tiểu Nghê không thể đánh hơi, nó phải bơi vòng quanh ao để tìm kiếm. Sau một hồi Tiểu Nghê thấy một đường hầm có lối thông không rõ dẫn tới đâu. Hai Đại Nghê vẫn đuổi theo sát nút, liều mình Tiểu Nghê bèn chui tọt vào trong hang.
Trong này tối tăm, không thấy gì, cũng không nghe thấy âm thanh gì. Nhất Đại Nghê vào trong đường hầm trước, nó buột miệng nói:
– Ê tôi với ông ở đây lâu vậy mà không biết dưới này rộng lớn thế.
“Đét” một âm thanh nghe thật chát chúa vang lên. Một sợi roi to, có gai như thân cây sen quỳ quất mạnh vào đít Nhất Đại Nghê. Đại Nghê chỉ kịp hét lên:
– Aaa! Đứa nào???
Nó quay lại sau lưng thì thấy Nhị Đại Nghê đang mò mẫm trong bóng tối. Nó quát:
– Sao mày đánh đít tao?
Vừa nói xong thì các sợi roi làm bằng thân cây sen quỳ từ trong hai bên tường hang lại nhú ra, ngoe nguẩy rồi quất vào mông Nhất Đại Nghê liên hồi, nghe “Đét, đét, đét” rát da rát thịt.
Nhất Đại Nghê kêu ré lên, lạ thay, càng kêu thì lại càng bị đánh. Nhị Đại Nghê hiểu ra bèn nói:
– Đây chắc chắn là bày trận của tổ tiên, để cấm con cháu đi vào nơi cấm kỵ này. Chỉ cần có tiếng động là các sợi roi này sẽ quất về phía đối phương.
Nhị Đại Nghê vừa dứt lời thì các sợi roi xuất hiện quất tới tấp vào nó. Nó kêu lên oai oái.
Nhất Đại Nghê nói:
– Có cái gì trong này mà phải canh giữ?
Nhị Đại Nghê nói:
– Có lẽ phải đi tới cuối đường hầm.
Hai Đại Nghê vừa đi vừa ăn roi liên tục. Nhất Đại Nghê nói:
– Đau quá! Giữ im lặng và ra khỏi đây thôi.
Nhị Đại Nghê đáp:
– Ừ đừng nói gì nữa nha.
Nhất Đại Nghê quát:
– Tao bảo mày đừng có nói nữa mà đáp chi vậy.
Nhị Đại Nghê cãi:
– Thì ông im đi còn quát nữa!
Cứ như vậy hai đứa nói qua nói lại, càng nói càng bị roi quất cho rát lưng, đỏ cả đít lên.
Tiểu Nghê đang lần mò phía trước, nghe thấy thì bật cười to:
– Ha ha, đáng đời hai kẻ ngốc!
Tiểu Nghê vừa dứt lời các sợi roi hiện ra quất “Đét, đét!” vào đít Tiểu Nghê thật mạnh. Nó nhảy dựng lên ôm đít đau đớn.
– Aaa! Lỡ mồm rồi! – Tiểu Nghê hét lên.
Tiếng hét càng làm nó bị quất nhiều hơn. Hai Đại Nghê thấy vậy thì khoái chí nói:
– Cười người hôm trước hôm sau người cười nha nhóc!
Hết câu, các sợi roi lại lại quất vào các Đại Nghê liên hồi “Đét, đét, đét”.
Cả ba con Nghê cứ như thế ôm đầu, rụt cổ mà bơi về phía trước.
Phía cuối đường hầm xuất hiện ánh sáng, Tiểu Nghê chớp chớp mắt, nó rướn người bơi theo dòng nước đến cuối đường hầm. Đại Nghê cong người phi nước băng băng đuổi theo. Tiểu Nghê vội bơi ra khỏi đường hầm, tại đây có ánh sáng từ trên trời soi xuống.
Tiểu Nghê nhìn lên, tự hỏi:
– Sao ở đây lại có ánh sáng? Tường bao quanh hình tròn, chẳng lẽ mình đang ở trong Giếng Ngọc sao?
Tiêu Nghê nhìn xuống, sâu dưới đáy giếng có một cái bệ hình tròn. Nó bèn lặn sâu xuống bơi về phía cái bệ. Xung quanh cái bệ có những khoảng hở. Tiểu Nghê bèn bơi men theo rồi lặn xuống dưới cái bệ. Kỳ lạ thay vừa lặn xuống thì không gian như bị đảo ngược. Tiểu Nghê thấy mình ngoi lên khỏi mặt nước, ở trong một không gian khô ráo tựa như một cái hang.
Ở giữa hang có một cái bệ hình vuông, trên cái bệ có một cái bục hình trụ, trên cái trụ là một quả trứng đá. Quanh cái bục có bức tượng một con mãng xà to lớn được tạc bằng đá cuộn tròn.
Tiểu Nghê reo lên:
– Chắc chắn là phong ấn Ngư Tinh!
Tiểu Nghê vội vàng leo lên khỏi mặt nước rồi tiến về phía bệ đá.
Đột ngột tượng đá mãng xà bỗng lóe sáng lên, đôi mắt trở nên đỏ rực như máu, từng vảy rắn bằng đá bỗng trở nên sáng lấp lánh, rồi mãng xà bắt đầu chuyển động. Nó trườn ra khỏi bệ, dựng cái cổ cao lên thẳng đứng, phùng cái mang, thè lưỡi, nhe răng ra uy hiếp Tiểu Nghê.
Đây là hiện thân khác của Linh Lang Đại Vương khi ngài trở về với thuỷ cung. Có thể Ngài đã dùng phép để hiện thân này thay mình canh gác phong ấn của Ngư Tinh dưới Giếng Ngọc.
Tiểu Nghê đứng yên nhìn mãng xà, run sợ. Mãng Xà cũng nhìn Tiểu Nghê thăm dò.
Đúng lúc ấy hai Đại Nghê từ dưới nước ngoi lên. Mặt mũi chúng sưng vù vì bị đánh đau. Vừa xuýt xoa vết bầm tím, chúng nó vừa nhìn Tiểu Nghê và quát:
– Nhóc con hỗn láo, đứng lại đó!
Hai Đại Nghê nhảy lên khỏi mặt nước rồi lao vào Tiểu Nghê.
Mãng xà bị giật mình, đối với nó chỉ cần là vật có thể di chuyển nó sẽ coi là mối hoạ, vì vậy nó sẽ tấn công bất cứ vật nào chuyển động để bảo vệ phong ấn. Mãng xà chuyển hướng lao về phía hai Đại Nghê.
Hai Đại Nghê tránh né các đòn cắn của mãng xà. Mãng xà dùng đuôi của mình uốn lượn trườn tới đuổi theo không buông tha. Nhân cơ hội ấy Tiểu Nghê chạy về phía cái bệ có quả trứng, nó trèo qua đuôi của mãng xà đang trườn trên mặt đất. Vóc dáng của Tiểu Nghê nhỏ nên nó bước hụt chân rồi ngã dúi xuống đất.
Mãng xà đuổi hai Đại Nghê chạy vòng tròn quanh hang. Đại Nghê hét lên:
– Sao lại đuổi chúng tôi, bắt thằng nhóc đó kìa nó sắp lấy phong ấn đó!
Mãng xà không nghe, càng chạy nó càng đuổi sát theo.
Tiểu Nghê đã leo lên được cái bục, nó chạy tới tiếp cận quả trứng đá. Nó đi xung quanh nhìn ngắm bệ đỡ trứng, hoa văn in trên quả trứng là những đường lượn như sóng nước, mô tả hình ảnh một con sóng cao cuồn cuộn.
– Có lẽ đây là phong ấn Ngư Tinh. – Tiểu Nghê nói. – Nhưng làm sao lấy được, quả trứng này cũng bị hóa phép thành đá rồi.
Nó nhìn xung quanh rồi thầm nghĩ:
– Nơi này là giếng mà, nhưng sao không có nước, không lẽ, nước chính là chìa khoá hoá giải phép này.
Nó nhìn về phía mãng xà và Đại Nghê đang giằng co nhau, Tiểu Nghê nghĩ:
– Làm sao xuống dưới đó mà lấy nước?
Tiểu Nghê đắn đo một lát rồi nhoẻn miệng cười tinh quái. Nó ngó nghiêng xem có ai nhìn mình không, rồi nó giơ một chân sau lên tè vào quả trứng. Dòng nước chảy men theo hoa văn thấm xuống cái bục đỡ trứng. Lớp đá bao bọc quả trứng bỗng xuất hiện những vết nứt như rễ cây len lỏi khắp nơi, tiếng “Rắc rắc” vang lên, đá vỡ vụn lộ ra một quả trứng màu xanh nhạt, có hoa văn lượn sóng bao phủ phát ra ánh sáng. Quả trứng trong suốt có thể thấy bên trong là một hoá thạch hình Ngư Tinh.
Mãng xà và Đại Nghê đang giao tranh thì sựng lại nhìn về quả trứng phát sáng, Tiểu Nghê giật mình trố mắt nhìn.
– À à,… Tại mắc tè quá…! – Tiểu Nghê cười gượng nói.
Con mãng xà tức giận gào lên, nó vội vàng hất Đại Nghê qua một bên rồi trườn thật nhanh về phía quả trứng. Tiểu Nghê vội ôm lấy quả trứng, cuống cuồng chạy qua chạy lại không biết chạy đi đâu. Mãng xà thì càng lúc càng tới gần.
Nhanh trí, Tiểu Nghê ném quả trứng về phía Nhất Đại Nghê nói:
– Trả cho ngài nè, Nhất Đại Nghê!
Nhất Đại Nghê tuy chưa kịp hiểu chuyện gì nhưng theo phản xạ nó vội nhảy lên bắt lấy quả trứng.
Mãng xà thấy vậy lập tức chuyển hướng lao về phía Nhất Đại Nghê. Giờ thì Nhất Đại Nghê đã hiểu vấn đề, nó sợ hãi vội cuống cuồng ném quả trứng về phía Nhị Đại Nghê, nói:
– Này này, giữ… giữ giùm!!!
Nhị Đại Nghê bối rối chụp lấy quả trứng.
Tiểu Nghê tranh thủ chạy về phía mép nước.
Mãng xà lao tới Nhị Đại Nghê. Nhị Đại Nghê lúng túng không biết làm gì, đang sợ hãi thì Tiểu Nghê nói:
– Ném qua cho tôi!
Nhị Đại Nghê vội ném trứng qua cho Tiểu Nghê để tránh cú đớp của mãng xà. Tiểu Nghê chụp lấy quả trứng, nói:
– Cảm ơn Nhị Đại Nghê đã chuyền bóng.
Rồi Tiểu Nghê nhảy xuống nước bơi biến đi mất.
Lúc này hai Đại Nghê mới hiểu vừa bị Tiểu Nghê lừa cho một vố. Cả hai nhảy xuống nước đuổi theo. Mãng xà vô cùng tức giận nó lao xuống nước đuổi theo cả ba.
Tiểu Nghê vừa xuống nước thì không gian lại đảo ngược trở lại là đáy giếng. Tiểu Nghê bơi về phía cửa đường hầm thông tới Ao Sen. Hai Đại Nghê đuổi theo. Mãng xà cũng bám theo sát nút.
Cả ba con Nghê vừa chui vào được đường hầm thì mãng xà cũng đuổi tới. Nó nhe hàm răng định cắn vào chân của Nhị Đại Nghê thì chạm phải kết giới trước đường hầm, một mặt phẳng loé sáng lên như tấm kính chặn ngay cửa đường hầm khiến nó không thể chui vào đường hầm. Có vẻ nó đã đi tới giới hạn có thể đi. Nó gầm lên tức giận trong lúc ba con nghê bơi qua đường hầm.
Ba con nghê lại bị các dây leo đánh “Đét, đét” tới tấp lần nữa. Nhưng chúng cắn răng chịu đựng để gắng bơi hết đường hầm. Nhất Đại Nghê nói:
– Tu mấy ngàn năm rồi mà hôm nay vẫn không thoát khỏi kiếp nạn con Tiểu Nghê này!
Nhị Đại Nghê nghiến răng:
– Lạy trời cho con thoát khỏi thằng nhóc này, con thề từ nay không ăn vụng đồ cúng nữa.
Tiểu Nghê bơi ra tới Ao Sen, nó ngoi lên khỏi mặt nước giơ trứng lên, nhìn về phía Trúc đang cầm chân Thần Hoàng ở sân đình, nó gọi to:
– Lấy được rồi chị Trúc ơi! Chạy mau!
Hai Đại Nghê cũng vừa ngoi lên, trên đầu còn dính lá sen. Mặt chúng sưng húp, xước xát vì bị roi quất và rắn cắn. Chúng nhìn Tiểu Nghê tức giận:
– Thằng nhóc trời đánh, khiến chúng ta ra nông nỗi này!
Tiểu Nghê cười gượng:
– Xin… Xin lỗi các ngài!
Hai Đại Nghê lao vào Tiểu Nghê. Tiểu Nghê vội bơi lên bờ, nó dùng hai chân sau đạp nước liên tục, làm nước văng tung toé vào mặt hai Đại Nghê phía sau.
Tiểu Nghê lên bờ chạy về phía Trúc.
Thần Hoàng liền thay đổi sắc mặt cầm thương xông đến chỗ Tiểu Nghê, mũi thương như lao thẳng vào nó, nó lăn một vòng rồi nhanh nhảu bỏ chạy, mũi thương của Thần Hoàng liên tục đâm hụt theo mỗi bước chân của Tiểu Nghê nó vừa chạy vừa bật nhảy.
Trúc bay tới yểm trợ cho Tiểu Nghê. Lần này trúc dùng hết sức mình tung một kiếm phản công, lưỡi gươm đi hiểm tới nỗi Thần Hoàng phải giơ ngang thương lên đỡ. Gươm chạm vào thương nghe “Choeng” đẩy Thần Hoàng lùi ra sau. Chưa dừng ở đó Trúc nhào lộn một vòng ném khiên từ trên trời về phía Thần Hoàng. Tấm khiên cứng chắc lao tới, Thần Hoàng nhảy lùi ra sau né được, nhưng tấm khiên cắm xuống sàn khiến gạch sân vỡ nát, bụi văng lên mù mịt che mất tầm nhìn của Thần Hoàng.
Tiểu Nghê đang bị một Đại Nghê đuổi, nó hét lên:
– Chị Trúc bắt lấy!
Tiểu Nghê ném trứng cho Trúc. Trúc vội buông thương chộp lấy quả trứng. Nhất Đại Nghê trông thấy quả trứng trong tay Trúc thì chuyển hướng tấn công sang Trúc, nó lao tới định ngoạm vào tay Trúc. Cô vội đập cánh bật nhảy lên không trung lơ lửng né được, bỗng nhiên từ phía trái Nhị Đại Nghê nhào tới, nó ngoạm lấy quả trứng từ tay Trúc rồi đáp xuống sân đền. Nó vừa đáp xuống thì Tiểu Nghê đạp một cú vào một bên mặt nó, khiến gương mặt nó biến dạng méo mó, quả trứng từ trong miệng nó văng ra ngoài lăn lông lốc về một góc sân.
Nhất Đại Nghê nhảy như một con báo tăng tốc về phía quả trứng, nó vừa chộp được quả trứng thì Trúc chạy sượt ngang nó ôm lấy quả trứng lộn một vòng chạy về phía cổng đền. Lúc này Thần Hoàng đã bước ra từ đám bụi khói lao tới giành lấy trứng từ tay Trúc. Tiểu nghê thấy vậy nhảy lên cướp lấy quả trứng từ tay Thần Hoàng. Nhị Đại Nghê chạy tới hích mạnh vào người Tiểu Nghê khiến quả trứng lại rơi xuống sân. Trúc lao tới chụp lấy quả trứng. Cứ như vậy quả trứng bị tung hứng giành tới giành lui. Mọi người leo lên mái đền rồi lại leo xuống tạo lên một cảnh tượng rối loạn.
Trúc và Tiểu Nghê rơi từ trên mái xuống sân đền. Thần hoàng từ trên cao đấm xuống một cú chí mạng, khiến sân đền nứt toác ra nghe một tiếng “Ầm” long trời nở đất. Rất may Trúc và Tiểu Nghê đã kịp nhảy ra và tránh được.
Cả hai ôm trứng vội chạy về phía cổng đền. Phía sau là Thần Hoàng và hai con Đại Nghê to lớn đuổi bám theo. Thần Hoàng trông thấy cả hai sắp chạy ra khỏi Tứ Trụ ông dùng sức phóng một đường thương nhằm ngăn cản cả hai. Mũi thương cắm xuống sàn khiến gạch đá nổ tung hất văng cả Tiểu Nghê và Trúc bay ra khỏi cổng đền, nằm sõng soài trên mặt đất, bụi khói bay mù mịt.
Thần hoàng tức giận chạy tới nhổ cây thương lên, rồi lại lao tới phía Trúc nhưng thần bị đụng phải kết giới trước cổng đền nên bị dội ngược lại. Trúc và tiểu nghê nhìn lên, nhận ra cả hai đã ra khỏi cổng đền.
Trúc và Tiểu Nghê ngơ ngác nhìn nhau. Tiểu Nghê liền bảo:
– An toàn rồi chị ơi, Thần Hoàng chỉ canh gác một khu vực không thể ra khỏi ngôi đền. Chị em mình đi mau thôi.
Trúc ôm theo Tiểu Nghê, còn Tiểu Nghê thì ôm trứng, cả hai bay vút lên trời. Phía dưới Thần Hoàng và các Đại Nghê tức giận gầm lên.
Thần Hoàng ra lệnh:
– Phải báo ngay cho các Thần Hoàng khác!
Senior Animator
Anh hiện là Animation Director, có niềm đam mê rất lớn trong việc truyền thụ lại kiến thức tới mọi người. Vì vậy anh tạo ra XAN SAN ANIMATION với mục đích để lại toàn bộ di sản, kiến thức của anh cho các bạn yêu thích Diễn Hoạt và Làm Phim Hoạt Hình.