KNTC | QUYỂN 1 – Hồi 6: Trở Về
Hồi 6: Trở Về
Trải qua muôn truyện nhân gian
Tâm không khởi vọng thế gian thái bình
Trúc cưỡi Ngựa Sắt bay trên bầu trời. Mặt trời ló dạng sau những tòa nhà cao tầng, nhuộm một màu hồng nhạt lên bầu trời Hà Nội. Gió sớm mang theo hơi sương mát lành từ trận mưa giông tối hôm qua, len lỏi vào từng ngõ ngách, đánh thức thành phố từ giấc ngủ.
Ánh nắng ban mai như một tấm vải khổng lồ, nhẹ nhàng trải lên những mái ngói cổ kính, những hàng cây xanh mướt ven đường. Nắng chiếu rọi xuống Hồ Gươm, mặt hồ lấp lánh như dát vàng, phản chiếu hình ảnh của những cây bàng cổ thụ đứng sừng sững bên bờ. Trúc nghĩ tới thần Kim Quy, vị thần ở những giây phút cô mất hết niềm tin đã chỉ dẫn cho cô con đường đến chiến thắng. Trúc bay thấp hơn lướt qua những ngọn cây. Tiếng chim hót líu lo như một bản nhạc du dương, hòa cùng tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng cười nói rộn rã của những người đi tập thể dục buổi sớm.
Trên những con phố cổ, những ngôi nhà nhỏ nhắn với những bức tường sơn màu vàng nhạt, màu xanh ngọc bích, màu hồng phấn… đứng nép mình bên nhau tạo nên một khung cảnh yên bình, thơ mộng. Trúc đáp xuống một con hẻm nhỏ không có người qua lại. Cô xuống ngựa, vuốt ve Ngựa Sắt lần cuối chào tạm biệt. Rồi Trúc đọc: “Khắc xuất, khắc xuất.” trang phục Áo giáp sắt, Gậy tre thần và Ngựa Sắt biến mất, Trúc trở về là một nữ sinh trung học. Cô đi thong thả trên đường, những hàng quán nhỏ ven đường bắt đầu mở cửa, khói lam nghi ngút bay lên báo hiệu một buổi sáng chủ nhật bắt đầu. Bánh mì nóng hổi, phở thơm lừng, cà phê đậm đà… mùi hương thơm ngon lan tỏa khắp nơi, đánh thức vị giác của người đi đường.
Trên con đường Nguyễn Du, những chiếc xích lô chở khách lướt nhẹ nhàng, tiếng leng keng của chuông xe hòa cùng tiếng xe máy rì rầm tạo nên một bản giao hưởng độc đáo.
Hà Nội trong mắt cô vào sáng sớm, đẹp như một bức tranh sơn dầu yên bình và thanh tao. Nắng sớm, gió sớm, tiếng chim hót, mùi hương thơm ngon… tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, khiến lòng người thêm thư thái, an nhiên. Không ai biết tối hôm qua đã có một trận chiến khốc liệt giữa các vị thần để bảo vệ sự yên bình này.
Trúc trở về nhà ôm chầm lấy mẹ. Bà Thanh cũng thấy lạ sao Trúc lại về sớm thế. Bình thường Trúc khá là ương bướng chẳng mấy khi bày tỏ tình cảm như vậy. Nhưng đối với Trúc, một ngày vừa qua tựa như cô đã xa mẹ một năm rồi vậy.
…
Tối hôm ấy, không khí Hà Nội dịu mát, gió nhẹ nhàng lướt qua những hàng cây cổ thụ ven đường. Tiếng lách cách của bát đũa vang lên, bữa cơm gia đình trong những căn nhà nhỏ ấm cúng đã bắt đầu. Ánh đèn vàng nhạt tỏa ra bao phủ lên những con đường rạng rỡ.
Ở nhà Trúc, bà Thanh khéo léo gắp từng miếng thịt kho tàu thơm lừng đặt vào bát con gái. Trên Tivi tiếng báo hiệu giờ phát bản tin thời sự quen thuộc vang lên. Hình ảnh đầu tiên hiện ra là cảnh Đền Nội, nơi linh thiêng được người dân Hà Nội vô cùng kính trọng.
“Đền Nội xảy ra động đất, khiến ngói trên Đền rơi vỡ, sân đền nứt toác ra…” – Giọng của người dẫn chương trình xen lẫn những hình ảnh nứt vỡ ở sân Đền. – “Đồng thời ở đền Thượng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ở Hòn Chẹ thì có một trận sấm sét và mưa giông lớn bất thường vào buổi tối, nhưng lại đột ngột kết thúc ngay sau đó… Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân.”
Hình ảnh về những cơn mưa giông dữ dội, những tia chớp lóe sáng, những tiếng sấm rền vang hiện lên. Trúc khẽ cau mày giả vờ gắp đồ ăn liên tục. Trúc liếc nhìn vào màn hình, cô biết rõ những chuyện ấy là gì.
Bản tin kết thúc, Trúc quay sang mẹ, giọng nói dịu dàng:
– Mẹ, hôm nào chỉ con cách làm mâm cúng ông bà tổ tiên nha mẹ.
Bà Thanh bất ngờ vì câu hỏi này, ánh mắt đầy yêu thương nhìn con gái. Bà mỉm cười gật đầu:
– Ừ để mẹ chỉ.
Cô con gái ngày thường chẳng mấy khi quan tâm đến những chuyện này, nay lại bỗng dưng muốn học cách làm mâm cúng? Bà Thanh nhớ lại những lần Trúc về nhà, cô thường chỉ dành thời gian cho những cuốn truyện cổ tích. Bà Thanh không thể hiểu nổi điều gì đã khiến Trúc thay đổi?
Có lẽ những gì đã xảy ra ở Đền Nội, Đền Thượng và Hòn Chẹ đã đánh thức trong lòng Trúc một sự tò mò, một khát khao được tìm hiểu về cội nguồn, về những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc.
Trong ánh mắt của bà Thanh, niềm vui và sự tự hào xen lẫn. Bà cảm nhận được sự thay đổi trong con gái mình, một sự trưởng thành, một sự thức tỉnh về tâm hồn.
…
Ít hôm sau, bà Thanh bắt đầu hướng dẫn Trúc cách làm mâm cỗ cúng tổ tiên theo phong cách người Hà Nội. Bà chỉ cho Trúc cách chọn lễ vật, từng món một, từ những con gà trống mập mạp, béo tròn tượng trưng cho sự sung túc, đến những bó hoa tươi thắm thể hiện sự tươi vui, rạng rỡ. Bà Thanh giải thích:
– Mâm cúng tổ tiên của người Việt mình thường có những món ăn đơn giản, nhưng lại rất tinh tế và đầy ý nghĩa. Món ăn phải được chế biến cẩn thận, đẹp mắt, hài hoà giữa các yếu tố âm dương, ngũ hành và thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên.
Những món ăn truyền thống được bày biện theo thứ tự: Món thịt kho tàu, món nem rán vàng rộm, món chả cốm thơm lừng, cùng với những đĩa xôi trắng tinh, bánh chưng xanh mướt. Mỗi món ăn đều được bà Thanh hướng dẫn tỉ mỉ từ cách chọn nguyên liệu, cách chế biến, đến cách trình bày.
Bà Thanh chỉ cho Trúc cách chọn hoa quả, những quả chuối chín vàng, những quả bưởi da xanh căng mọng, những quả cam ngọt lịm, những quả táo đỏ mọng nước… được bày biện đẹp mắt trên mâm cúng thể hiện sự sum vầy đủ đầy. Bà Thanh còn chỉ cho Trúc cách thắp hương, cách khấn vái, giọng bà ấm áp dịu dàng:
– Khi thắp hương, con nhớ phải khấn vái thật thành tâm, tập trung vào những thỉnh cầu tốt đẹp cho gia đình, sau đó là mong ước những điều tích cực cho mọi người xung quanh.
Trúc chăm chú lắng nghe từng lời dạy bảo của mẹ, ghi nhớ từng chi tiết nhỏ nhất. Cô cảm nhận được sự yêu thương và cả sự tự hào của mẹ dành cho truyền thống văn hóa của dân tộc. Trúc hiểu rằng, mâm cỗ cúng tổ tiên không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một cách để con cháu thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng đối với những người đã khuất và không bao giờ lãng quên cội nguồn của mình.
Những ngày sau, Trúc tiếp tục dành hầu hết thời gian cho việc học hỏi đọc những tài liệu quý giá về văn hóa cúng bái, thờ phượng các vị thần của người dân Việt Nam. Những câu chuyện về Sơn Tinh, Thủy Tinh, về những vị thần, những linh thú, những con yêu quái trong truyền thuyết giờ đây trở nên gần gũi, thân thuộc hơn bao giờ hết. Trúc như đang được sống lại trong những câu chuyện ấy, cảm nhận được hơi thở của lịch sử, của văn hóa, của tâm hồn dân tộc. Cô bé cũng viết Blog về các nét văn hoá Việt Nam đặc biệt là về linh vật con Nghê. Cô tự tạo các mô hình thủ công hình con Nghê, rồi vẽ cả tranh để tặng bạn bè, trưng trên bàn học và để trưng trước cửa nhà.
Quay trở lại cuộc sống bình thường của một nữ sinh trung học, Trúc lại hòa mình vào những giờ lên lớp, những tiếng cười giòn tan cùng bạn bè, những câu chuyện vu vơ về những bộ phim mới ra mắt, những hàng quán mới. Bề ngoài, Trúc chẳng khác gì những nữ sinh bình thường nhưng trong thâm tâm cô bé đã biết sứ mệnh của đời mình.
Một buổi chiều, khi đang ngồi trong lớp học thì nhỏ bạn thân, cái Duyên, tới vỗ vai Trúc và khoe với cô về Cuộc Thi Văn Học Tuổi 20. Đây là một cuộc thi viết sách văn học dành cho các tác giả trẻ trên khắp đất nước. Trúc cười bảo với Duyên:
– Mày cứ đùa, tao biết viết gì đâu.
Duyên nói:
– Ê ê, thấy mày hay viết Blog về văn hoá đó, hay thử tưởng tượng ra một câu chuyện hư cấu gì đó về các truyền thuyết rồi phóng tác lại. Thể loại phiêu lưu kì ảo, cũng hay à nha.
Trúc nói:
– Ý mày là kiểu như Harry Potter hay The Hobbit hả?
– Đúng đó! – Cái Duyên cười tít mắt.
Tiếng chuông báo hiệu giờ vào học vang lên, mọi người quay lại chỗ ngồi. Trúc suy nghĩ vẩn vơ về lời gợi ý của Duyên. Trúc khẽ mỉm cười, cô đã từng chứng kiến cuộc chiến của hai vị thần, đã từng cảm nhận được sức mạnh của thiên nhiên, đã từng hiểu được ý nghĩa của truyền thuyết. Cô sẽ viết một tác phẩm thật đặc biệt kể lại câu chuyện của chính mình và lan tỏa niềm tự hào dân tộc tới mọi người.
Tan học về nhà Trúc cầm bút bắt đầu viết, nét chữ đều đặn, dòng suy nghĩ tuôn chảy như một dòng suối mát lành. Trúc viết hết mình, lòng cô tràn đầy cảm xúc. Cô viết về những gì cô đã chứng kiến, những gì cô đã cảm nhận, những gì cô đã hiểu được. Chỉ ít ngày sau Trúc đã hoàn thành bản thảo dài 180 trang. Trúc đọc lại một lần nữa. Cô hài lòng với những gì mình đã viết. Trúc gửi bản thảo tới các nhà xuất bản rồi chờ phản hồi.
…
Một hôm thời tiết đẹp đẽ, Trúc quyết định lên kế hoạch ghé thăm lại các ngôi đền. Trúc rủ hội bạn thân là nhỏ Duyên, cái Thảo và thằng Sang cùng đi. Chiều tà buông xuống, ánh nắng nhuộm vàng những tán cây ven đường. Cả nhóm đạp xe trên con đường làng Bình Đà. Cánh cổng tứ trụ của Đền Nội hiện lên trước mắt Trúc, ẩn hiện phía sau là ao sen, những tán cây cổ thụ. Trúc nhớ lại cảnh tượng náo nhiệt của ngày hội, tiếng chiêng trống rộn ràng, những đoàn lân sư rồng rực rỡ sắc màu và dòng người tấp nập. Trúc đạp xe chậm lại nhìn về phía Đền Nội, ánh nắng chiều ôm lấy ngôi đền cổ kính, Trúc mỉm cười. Cả nhóm vào đền thắp hương, thăm quan rồi lại kéo nhau đến Đền Gióng ở Sóc Sơn.
Con đường đến Đền Gióng uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa chín vàng ươm, những ngôi làng nhỏ xinh xắn, dòng sông lượn lờ như dải lụa mềm mại. Mọi thứ thật đẹp, thật thơ mộng. Nhóm bạn bước vào khu vực chính điện nơi đặt pho tượng Thánh Gióng cao lớn thể hiện hình ảnh một tráng sĩ trẻ tuổi oai phong lẫm liệt, cưỡi trên lưng ngựa sắt, tay cầm tre ngà vút cao. Hai bên tượng Thánh Gióng là tượng hai vị thần tiên.
Trúc đưa mắt nhìn bên đền còn có nhiều pho tượng khác như tượng vua Hùng Vương thứ 6, tượng Phù Đổng Thiên Cổ, tượng hai ông tiên,… được chạm khắc tinh xảo, những cột gỗ lim cổ kính, những bức hoành phi câu đối mang đậm nét văn hóa truyền thống. Trên bàn thờ, tượng Thánh Gióng uy nghi oai vệ như một vị thần bất tử đang dõi nhìn xuống nhân gian.
Cô quỳ xuống chắp tay thành kính. Giọng cô thì thầm khẩn cầu chứa đựng cả sự hối hận, lòng biết ơn và niềm tin vào chính nghĩa. Trúc cảm nhận được sự linh thiêng của Thánh Gióng như một nguồn năng lượng vô hình đang truyền vào trái tim cô xua tan đi những nỗi buồn. Vái lạy xong Trúc đứng dậy cùng các bạn bước ra khỏi Đền Gióng, lòng tràn đầy niềm tự hào.
Sau cùng, cả bọn kéo nhau lên Đền Thượng. Đường leo lên đỉnh núi là những bậc thang dốc thẳng đứng. Thằng Sang yếu nhất trong đám cứ đi được mấy bậc lại đòi ngồi nghỉ. Mấy nhỏ bạn thì cứ nhảy cà tưng chả biết mệt là gì. Được sự động viên từ đám bạn, thằng Sang cuối cùng cũng leo lên được đỉnh Tản Viên, nơi đặt Đền Thượng thờ Sơn Thần. Cả bọn lại thắp hương khấn vái cầu nguyện.
…
Cuối tuần, Trúc đi xe buýt về ngôi làng tre của cha. Trúc đi vào sâu trong lũy tre tìm đến gốc tre trăm đốt, nơi có dấu tay của cha in trên thân tre.
Trúc khẽ chạm vào dấu tay rồi đọc “Khắc nhập”. Trúc bước qua cánh cổng vào chiều không gian khác. Những cây tre cao vút, thân thẳng tắp, từng tán lá xanh mướt lay động nhẹ nhàng trong gió tạo nên một bản nhạc du dương, êm ái. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá, tạo nên những mảng sáng, mảng tối trên mặt đất như một bức tranh thiên nhiên. Mùi hương của đất ẩm và cỏ cây lan tỏa khắp nơi, mang theo cảm giác thanh bình yên ả.
Trúc thấy cha đang ngồi đợi sẵn trên tảng đá, miệng nhâm nhi ngụm trà trông rất khoan khoái.
– Cha! – Trúc khẽ gọi, giọng nói nghẹn ngào.
Cha cô quay đầu lại, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hiền từ. Ông nói:
– Ái chà, đi đâu mà cả tháng nay không thấy tới chơi thế con?
Trúc ôm chặt lấy cha, nước mắt tuôn trào. Rồi cô ngồi xuống kể hết cho cha nghe mọi chuyện, từ cuộc chạm trán với các Thần Hoàng tới việc gặp Sơn Thần; từ cuộc chiến với Thủy Tinh đến những con yêu quái, đến sự hy sinh của Tiểu Nghê, đến những lời dạy bảo của Thần Kim Quy; rồi cả chuyện cô hóa thành Phù Đổng Thiên Vương. Phải tới hôm nay cô mới dám tới gặp cha vì không đủ can đảm đối diện.
Tre thần nghe xong cũng thất kinh hồn vía, ông trợn tròn mắt thốt lên:
– Ối giời ơi, con gái tôi! Con dám gây ra chuyện tày đình như thế? Thật không thể tin được!
Nghe cha nói, Trúc lại khóc to hơn.
Tre thần phe phẩy cái quạt nan ngẫm nghĩ:
– Nhưng Thần Kim Quy bảo có một sự kiện lớn sắp xảy ra liên quan tới vận mệnh dân tộc, cần con giúp sức… là việc gì hệ trọng thế nhỉ?
Trúc nín khóc, đưa tay gạt nước mắt.
– Con cũng không biết, con định tới đây hỏi cha nè.
– Ta cũng đâu có biết. – Tre thần nói. – Hoá ra việc ta và mẹ con gặp nhau đều đã được Thiên mệnh sắp đặt. Ầy da, không có điều gì có thể qua mắt được thần linh.
Trúc nói:
– Cha có biết trong quá khứ, có ai được sinh ra như con không, mang hai dòng máu của Thần và Người.
Tre thần đáp:
– Rất nhiều ấy chứ, dân tộc Việt Nam mình từ xưa tới nay các anh hùng tráng sỹ đều sinh ra theo cách đó. Từ một giấc mơ mà hoá xuống nhân gian giúp dân cứu đời. Ah, chính là Thánh Gióng đó. Khi bà mẹ của Thánh Gióng ướm chân vào một vết chân to thì bà hạ sinh ra Gióng.
Tre thần như chợt nhận ra điều gì, ông thốt nên:
– Ta hiểu rồi!
Trúc vội hỏi:
– Là sao vậy cha?
Tre Thần nhìn Trúc nói:
– Điểm chung của các anh hùng hào kiệt là đều được sinh ra trong thời binh biến loạn lạc, nói rõ hơn thì đó là khi đất nước xảy ra chiến tranh, bị xâm lược. Chẳng lẽ, nước Việt Nam ta sắp bị xâm lược lần nữa sao?
Trúc nói:
– Sơn Thần có nói với con rằng nước ta đang bị xâm lược văn hoá, hay là chuyện đó nhỉ?
Tre thần trầm ngâm:
– Hmm… chuyện này thật khó nói, có thể con vừa phải giải quyết vấn đề văn hoá dân tộc từ bên trong nhưng cũng đồng thời phải giải quyết chiến tranh bằng vũ lực từ bên ngoài. Ta bắt đầu thấy lo lắng cho con rồi đó!
Trúc nghe vậy lại khóc lu loa lên. Tre thần cười gượng vỗ về an ủi:
– Thôi thôi, nước Nam ta có Thần mà, chả việc gì phải sợ rồi đâu lại vào đấy như hàng ngàn năm đất nước đã trải qua thôi con ạ.
Để yên lòng Trúc, ông nói lảng sang chuyện khác:
– Mà cái cậu Tiểu Nghê ấy quả là tài trí, cậu ấy biết những điều mà ta cũng không biết luôn đó. Con quả là may mắn khi có một người bạn tốt như thế!
Tre thần tưởng rằng nói thế Trúc sẽ vui vẻ hơn, ai dè Trúc nghe xong càng khóc to hơn vì buồn nhớ Tiểu Nghê. Tre thần ra sức vỗ về nhưng càng nói lại càng vụng về, càng làm Trúc khóc to hơn. Đúng là Tre thần không giỏi an ủi người khác. Người viết cũng chỉ biết vừa cười vừa thở dài ngao ngán khi thuật lại.
…
Thời gian của Trúc ngoài những giờ học còn là dành để tìm hiểu về con Nghê, linh thú mà cô đã từng gặp gỡ. Cô không thể nguôi ngoai nỗi nhớ nó, dù chỉ đồng hành cùng Tiểu Nghê một thời gian rất ngắn ngủi. Cô say sưa đọc những câu chuyện về con Nghê trấn giữ lăng mộ, về con Nghê bảo vệ cổng thành, về con Nghê tượng trưng cho sức mạnh và sự linh thiêng. Những hình ảnh về con Nghê giờ đây hiện lên trong tâm trí cô một cách sống động, đầy ấn tượng. Trúc muốn làm điều gì đó để tưởng nhớ Tiểu Nghê, để bù đắp những sai lầm của mình. Hình ảnh con linh thú nhỏ bé với đôi mắt đen láy ánh lên sự thông minh và tinh nghịch, với bộ lông óng ánh luôn hiện hữu trong tâm trí cô. Mỗi khi nhớ về Tiểu Nghê trái tim Trúc lại nhói lên một cơn đau, một nỗi tiếc nuối khôn nguôi.
Cô muốn tạo ra một vật gì đó mang hình dáng của con Nghê, để mỗi khi nhìn vào cô lại nhớ về người bạn đồng hành trung thành, người đã luôn bên cạnh bảo vệ và luôn tin tưởng cô. Trúc bắt đầu tạo ra những mô hình thủ công hình con Nghê. Cô dành hàng giờ liền để tìm kiếm những loại gỗ đẹp nhất, những loại gỗ có vân gỗ độc đáo. Cô tỉ mẩn lựa chọn từng miếng gỗ, cẩn thận gọt giũa, chạm khắc, tạo hình cho con Nghê.
Mỗi khi chạm vào gỗ, Trúc như cảm nhận được hơi ấm của Tiểu Nghê, thấy nó đang nô đùa bên cạnh mình. Cô chăm chút từng chi tiết, từ đôi mắt đến những chiếc vảy nhỏ xíu trên thân. Cô muốn tạo ra những con Nghê đẹp nhất, tinh xảo nhất.
Trúc còn dành nhiều thời gian để lựa chọn những loại sơn phù hợp. Cô muốn những con Nghê của cô được sơn những màu sắc rực rỡ, nhưng vẫn giữ được nét đẹp tự nhiên, nét đẹp cổ kính của linh thú truyền thuyết. Cô tìm kiếm những loại sơn tự nhiên, những loại sơn có màu sắc ấm áp như màu đất, màu nắng, màu lá cây, những màu sắc mang đến cảm giác bình yên, thanh thản.
Mỗi khi hoàn thành một con Nghê, Trúc đều nhìn ngắm nó thật lâu, trong lòng tràn đầy cảm xúc. Cô đặt những con Nghê ấy trên bàn học, trên kệ sách, trong phòng ngủ, như một lời nhắc nhở về những kỷ niệm đẹp, về những tình cảm thiêng liêng. Đối với Trúc con Nghê không chỉ là những tác phẩm thủ công mà còn là những lời hứa của Trúc dành cho Tiểu Nghê. Trúc sẽ mãi mãi nhớ về Tiểu Nghê, sẽ mãi mãi giữ gìn những kỷ niệm đẹp về người bạn đồng hành trung thành của mình.
Thỉnh thoảng Trúc lại tìm đến ngọn đồi ngoại ô, nơi cô có thể nhìn ngắm Hà Nội từ xa. Nơi đây, những con đường đất đỏ gồ ghề uốn lượn quanh sườn đồi, dẫn lối lên một khoảng đất trống thoáng đãng. Những cây bàng cổ thụ với tán lá rộng như những chiếc ô khổng lồ, che bóng mát cho những người lữ khách dừng chân nghỉ ngơi. Gió chiều nhẹ nhàng thổi qua, mang theo mùi hương thoang thoảng của cỏ cây, của đất trời, của những cánh đồng lúa chín vàng trải dài bất tận phía xa. Trúc tìm một chỗ ngồi trên mỏm đá, nơi có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố.
Ánh hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời, như một bức tranh sơn dầu kỳ ảo. Những tia nắng cuối cùng vươn xuống mặt đất, tô điểm cho những tòa nhà cao tầng lấp lánh ánh kim. Trúc chỉ ngồi im lặng như thế mà không nói gì, nghĩ về quá khứ hiện tại và tương lai, trong ánh hoàng hôn dần buông. Từ chiếc máy phát nhạc vang vọng lời ca của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:
… ♫ ♪ ♪ ♬ ♩ ♯
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay
Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim!
♫ ♪ ♪ ♬ ♩ ♯ …
…
Nhiều tháng sau.
Một buổi sáng như mọi khi, bà Thanh lúi húi trồng cây trong vườn rồi gọi vọng vào trong nhà:
– Trúc, đem rác đi vứt đi con.
Trúc ngái ngủ đi ra, một tay cầm túi rác to, một tay che miệng ngáp. Trúc uể oải bước ra khỏi nhà đi tới con hẻm vắng, đây là chỗ tập trung thùng rác của khu phố. Trúc mở nắp một thùng, bỏ bịch rác vào rồi đậy nắp lại. Cô lại há miệng ngáp một cái nữa rõ to.
Bỗng những chiếc thùng rác ở cuối con hẻm có tiếng động. Trúc giật mình nhìn về phía ấy. Một chú chó nhỏ lông vàng óng, tai cụp, mặt rất trẻ con ngã ra từ phía sau những cái thùng rác. Nó nhanh chóng đứng bật dậy, nhìn Trúc ve vẩy cái đuôi. Miệng cười tít, đôi mắt nó cứ nhìn Trúc như muốn nói gì đó.
Trúc nghĩ: “Chắc là chó nhà ai đem bỏ hoang đây mà!” Trúc cũng không bận tâm quay gót định bỏ đi, thì một giọng nói vang lên:
– Chị Trúc!
HẾT QUYỂN 1
Senior Animator
Anh hiện là Animation Director, có niềm đam mê rất lớn trong việc truyền thụ lại kiến thức tới mọi người. Vì vậy anh tạo ra XAN SAN ANIMATION với mục đích để lại toàn bộ di sản, kiến thức của anh cho các bạn yêu thích Diễn Hoạt và Làm Phim Hoạt Hình.